Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

TẾT NHÂM THÌN NÓI VỀ PHÚC LỘC THỌ



Chúng ta thường thấy ba chữ Phúc - Lộc - Thọ trên các thiệp chúc Tết, các bức hoành phi, các tờ lịch đầu năm, các cửa tiệm vàng bạc, các nhà hàng ăn uống...
Lời chúc này được tạo nên bởi một hình tượng khá rõ nét với bộ Tam Đa: ông Phúc bế đứa trẻ; ông Lộc mặc phẩm phục đeo đai, trên đầu đội mão cánh chuồn; ông Thọ, người lùn thấp, đầu nhẵn bóng trán dô lên, một tay chống gậy, một tay cầm quả đào. Cả ba ông đều có chòm râu dài bạc trắng, nét mặt hồng hào, cười tươi rạng rỡ.

Phúc- Lộc- Thọ: Các ông là ai?

Tam Đa: 
Phúc - Lộc - Thọ, có gốc tích từ Trung Quốc. Có nhiều truyền thuyết khác nhau kể về nguồn gốc của 3 vị này. Theo truyền thuyết của người Hoa Hạ, các ông là 3 vị quan Thừa tướng ở 3 triều đại khác nhau.
Ông Phúc chính là Quách Tử Nghi - Thừa tướng thời nhà Đường. Ông là một vị quan nổi tiếng thanh liêm, nên rất nghèo.
Gia đình ông sống rất hòa thuận, đến năm đời ở chung một nhà. Cả ông và bà đều thọ đến 83 tuổi, được chết cùng nhau và được chôn cất bên nhau.
Bản thân ông luôn chăm lo việc thiện, tạo phúc cho mọi người. Cái phúc mà ông Quách Tử Nghi để lại là sự nhân ái, là mái ấm gia đình, là tính tự trọng. Người dân thờ ông với lòng tôn kính và kèm theo một mong ước được phúc như ông.
Ông Lộc chính là Đậu Từ Quân, làm Thừa tướng thời nhà Tấn. Trái ngược với Quách Tử Nghi, Đậu Từ Quân là một quan tham, hưởng nhiều vàng bạc, châu báu, là vật đút lót của những kẻ nịnh thần, mua quan, bán tước, hay chạy tội…
Trong nhà ông, của chất cao như núi, ông sống giàu sang, vinh quang tột đỉnh. Tuy nhiên, đến hơn 80 tuổi, ông vẫn không có đích tôn. Vì vậy ông lo nghĩ buồn rầu nên sinh bệnh rồi chết trong sự cô đơn lạnh lẽo. Lúc sắp chết, ông đã than rằng: “Lộc ta để cho ai đây? Ai giữ ấm chân nhang cho tổ tiên, cho bản thân ta?”
Ông Thọ chính là Đông Phương Sóc, làm Thừa tướng thời nhà Hán. Ông này làm quan có tiếng là xu nịnh, được lòng vua nên hưởng nhiều bổng lộc.
Tuy nhiên có bao nhiêu tiền thưởng, ông lại đem mua gái đẹp về làm thê thiếp, nhằm lấy âm dưỡng dương.
Ông được phong tặng Đa Thọ vì sống đến 125 tuổi. Khi ông mất chỉ còn đứa chắt (đời thứ 4) làm ma chay vì vợ, con, cháu của ông đều đã chết hết cả.
Người Hoa Hạ đã khéo xếp 3 vị Thừa tướng, có 3 tính cách khác nhau, ở 3 triều đại khác nhau, thành một bộ không tách rời nhằm để răn đời. Đồng thời, biến những cái tốt, cái lợi có từ 3 ông thành mong ước ngàn đời của mọi người, đó là: Đa phúc, Đa lộc, Đa thọ.

Quan niệm Phúc - Lộc - Thọ ngày nay 

Phúc - Lộc - Thọ là mong ước của tất cả mọi người, ai cũng muốn có nhiều lộc, lắm phúc và sống lâu. Nhưng quan niệm thế nào cho đúng còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện lịch sử. Đặc biệt trong cuộc sống hiện nay.

Ngày xưa, các cụ quan niệm "nhiều con, lắm phúc", "có con trai mới có phúc".  Còn ngày nay, có con gái hay con trai đều là phúc.
Nếu các con hiếu thảo, ngoan ngoãn, thông minh, thành đạt là có phúc. "Mỗi gia đình chỉ nên có 1- 2 con", vì nhiều con đâu hẳn đã là phúc. Nhiều con mà không dạy dỗ, không cho ăn học, để chúng đói nghèo, ngu dốt, hư hỏng, thì không thể nói là có phúc được. Và không thể chắc rằng 3 đời sống chung nhà, hay 3 đời sống chung nhà, là mô hình để học tập và noi theo khi mà nhu cầu cuộc sống, sinh hoạt ngày nay thay đổi so với thời trước.
Làm quan mà chỉ lo vơ vét cho giàu có, để rồi chết cô đơn như Đậu Từ Quân, hay xu nịnh, hám sắc như Đông Phương Sóc thì lộc để làm chi, thọ để làm gì. Tiền của lắm, thọ lâu dài trong sự khinh bỉ của người đời thì liệu bạn có muốn chăng? Hay cứ tranh đua lợi lộc mà gây phương hại cho những người xung quanh thì liệu lộc của bạn có lâu bền ? Chi bằng cứ sống cho tốt, cho đúng đạo làm người thì lộc tự dưng sẽ đến.
Quan niệm về thọ ngày nay không chỉ là sống lâu, mà còn phải sống vui vẻ, lành mạnh, sống có ích, chứ lấy âm dưỡng dương như Đông Phương Sóc thì không an toàn cho sức khỏe của bản thân và gia đình.
Ông Chu Dung Cơ (nguyên Thủ tướng Trung Quốc) khi về hưu đã viết "Hiểu đời", trong đó có đoạn: "... Ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao. Tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao".
Theo ông Dung Cơ có được niềm vui thanh cao là hạnh phúc, vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất của đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là do mình tạo ra, hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.
Tóm lại, Phúc - Lộc - Thọ là ước nguyện lớn nhất của mọi người, vì thế mới tồn tại lời chúc Phúc - Lộc - Thọ và bộ Tam Đa từ xưa tới nay. Nếu đạt được hết thảy "đa phúc, đa lộc, đa thọ" thì còn gì bằng./.